Bệnh trĩ là bệnh giãn tĩnh mạch của vùng hậu môn trực tràng có số lượng người mắc khá cao, đặc biệt ở người lớn tuổi. Người mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm. Bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng ảnh hưởng không nguy hiểm đến tính mạng nên bệnh nhân thường bỏ qua, đồng thời cũng vì bệnh ở vùng kín nên bệnh nhân thường ngại đi khám nhất là phụ nữ…
Nguyên nhân
Trĩ là bệnh khá phổ biến, hơn nữa là đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Bệnh trĩ là hiện tượng liên quan mật thiết đến đám rối tĩnh mạch ở vùng cuối trực tràng và ở cả hậu môn, khi đám rối tĩnh mạch vùng phía cuối trực tràng và vùng hậu môn cũng bị phình, giãn ra gọi là trĩ. Do vậy trĩ là một loại bệnh của mạch máu tĩnh mạch. Bệnh này thuộc bệnh ở tổ chức mô do chất lượng của mô tĩnh mạch kém nên khi máu ứ đọng sẽ làm cho tĩnh mạch giãn, phình ra.
Những người lao động nặng nhọc như mang vác, đội vật nặng lên đầu, lên vai (công nhân bốc vác ở các bến cảng) làm cho áp lực trong ổ bụng tăng lên một cách đáng kể trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm cũng có nguy cơ cao bị mắc bệnh trĩ.
Một số nghề do phải ngồi lâu, đứng lâu như thợ may, thợ đứng máy, một số cán bộ văn phòng, làm nghề đánh máy vi tính… cũng có nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Người cao tuổi nên ăn nhiều chất xơ để phòng bệnh trĩ.
Những biểu hiện của bệnh
Có 2 triệu chứng chính đưa bệnh nhân đi khám bệnh là chảy máu và sa búi trĩ.
Chảy máu: là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Đây là một trong những lý do đưa bệnh nhân đến khám. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Về sau mỗi khi đi cầu phải rặn nhiều do táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa cứ mỗi lần đi đại tiện, mỗi lần đi lại nhiều, mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy, có khi máu chảy rất nhiều bắt bệnh nhân phải vào cấp cứu. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi đại tiện ra nhiều máu cục.
Sa búi trĩ: thường xảy ra muộn hơn sau một thời gian đại tiện có chảy máu, lúc đầu sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần và không tự tụt vào sau khi đi đại tiện nữa mà phải dùng tay ấn vào. Cuối cùng khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn.
Phòng bệnh và điều trị
Vấn đề điều trị bệnh trĩ còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh và người bệnh. Không nhất thiết trường hợp nào cũng phải mổ, việc điều trị thường tập trung vào phương pháp chính dưới đây.
Điều trị trĩ theo phương pháp nào là do bác sĩ khám và chỉ định. Khi có các biểu hiện của bệnh nên đi khám ở cơ sở y tế có đủ điều kiện càng sớm càng tốt, không nên để bệnh trĩ đến giai đoạn muộn (độ 3, 4) mới đi khám thì dễ xảy ra biến chứng hơn và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Trĩ là một bệnh mạn tính do nhiều nguyên nhân và có thể đề phòng. Nhằm vào các nguyên nhân gây bệnh kể trên để phòng bệnh. Cần tránh được tình trạng tăng áp lực ổ bụng. Do vậy:
– Không nên đứng hoặc ngồi lâu, giữa giờ làm việc nên tranh thủ vận động, thể dục nhẹ nhàng.
– Hàng ngày nên tập thể dục nhẹ nhàng, tổng thời gian tập vào khoảng từ 30 – 60 phút.
– Nên ăn nhiều rau, chất xơ.
– Những người có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ cần hạn chế ăn, uống các chất kích thích như cà phê, rượu, ớt, tiêu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét