Bỏng có thể bị do vô tình đụng phải vật nóng, hoặc do bị dầu mỡ bắn lên trong lúc đang nấu ăn, hoặc do đụng phải ống bô xe máy. Nhưng liệu bạn đã làm gì khi bị bỏng, bạn đã biết được các bước chữa bỏng để tránh để lại sẹo chưa? Chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn các bước chữa bỏng dưới đây.
Sau đây là 4 bước sơ cứu khi bị bỏng mà ai cũng nên biết:
1. Lập tức làm hạ nhiệt độ cho vùng da bỏng
Khi bị bỏng, tốt nhất chúng ta nên nhanh chóng làm nguội vết thương bằng cách để vùng bị tổn thương dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút hoặc ngâm ngay vùng bỏng nước sôi vào nước lạnh (16-20 độ C) trong vòng 15-20 phút cho đến khi cơn đau dịu bớt.
Việc này giúp làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, giảm sưng, giảm độ sâu của vết bỏng và làm sạch các hóa chất dính trên vết bỏng. Hơn nữa, hành động này khiến cho vết bỏng bớt đau rát, giảm nguy cơ gây sốc cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, phải đặc biệt lưu ý là quá trình ngâm nước chỉ dùng nước lạnh hoặc nước mát, tuyệt đối không được sử dụng nước đá, hoặc dùng đá cục, điều này chỉ khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn.
Lưu ý, bệnh nhân nên cởi bỏ y phục bị ướt ra (trước khi vết bỏng hình thành bọng nước), tiếp đó mới xả nước lạnh vào chỗ bị bỏng. Nếu quần áo bị dính vào vết thương, đừng cố cởi bỏ ra, hãy rửa vết thương dưới nước lạnh bên ngoài lớp vải và sau đó đi tìm bác sĩ để biết cách chăm sóc bệnh nhân bỏng.
2. Bảo vệ cho vết bỏng không bị nhiễm trùng
Một số người cho rằng những chất như bơ, kem đánh răng, giấm, nước mắm... có thể làm dịu vết bỏng. Tuy nhiên điều đó không đúng, thực ra phương pháp tốt nhất là giữ cho vết bỏng sạch sẽ, không được động chạm gì trong vòng 24 giờ sau. Nếu vết bỏng ở những chỗ dễ đụng chạm, bạn có thể dùng một băng vải đắp lên vết bỏng tránh sự đụng chạm vào vết bỏng.
Việc băng bó giúp cho vết bỏng không tiếp xúc với không khí, giảm đau và bảo vệ mụn nước. Vết bỏng tốt nhất nên được băng bó bằng gạc vaseline, gạc vô trùng hoặc loại vải sạch không có lông tơ vì sợi tơ nhỏ dính lên vết bỏng sẽ tạo cảm giác khó chịu. Gạc quấn hờ, quấn lỏng quanh vết thương tránh tạo áp lực lên vùng da bị bỏng. Nếu không có băng đạt tiêu chuẩn thì tốt nhất là giữ nguyên vùng da bị bỏng, tránh đụng chạm.
3. Vệ sinh vết bỏng nước
Sau 24 giờ, bạn có thể rửa vết bỏng nước với xà phòng cùng với nước lạnh hoặc một dung dịch nước muối sinh lý. Rửa vết bỏng mỗi ngày một lần, lau vết bỏng cho khô sau khi rửa.
4. Làm lành vết bỏng
Đối với vết bỏng nhẹ thì sẽ ít có khả năng bị nhiễm trùng. Nhưng đối với vết bỏng lớn hơn, khả năng bị nhiễm trùng làm vết thương lan rộng và lâu khỏi hơn. Vì vậy, sau khi thực hiện sơ cứu bỏng nước sôi như trên bạn nên dùng các loại kem bôi vết bỏng có chứa thành phần kháng sinh chống nhiễm trùng có bán tại các hiệu thuốc.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số cách trị bỏng của dân gian sau đây:
- Lòng trắng trứng: Đây là một trong những ‘thần dược’ trị bỏng mà ít người biết tới. Khi bị bỏng nước sôi, lập tức bôi một ít lòng trắng trứng lên vùng da bị tổn thương. Cách này không chỉ làm mát da, giúp vết bỏng mau lành mà còn giữ cho vùng da bị bỏng tránh bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Khi cần rửa, chỉ cần để vết bỏng dưới vòi nước mát chảy nhẹ là phần lòng trắng trứng sẽ tự trôi đi.
- Nha đam: Nha đam có tác dụng giảm cảm giác nóng rát, giúp vết thương không bị khô nứt. Dùng lá nha đam đắp lên vết thương sẽ giúp làm dịu vùng da đó rõ rệt.
- Khoai tây: Công dụng của khoai tây trong trị bỏng tương tự như nha đam. Lưu ý khoai tây phải gọt vỏ, rửa thật sạch, cắt lát mỏng rồi đắp lên vết bỏng.
Lưu ý:
- Các biện pháp sơ cứu nên được thực hiện ngay khi vừa bị bỏng xong, như vậy sẽ mang lại hiệu quả hơn, tránh để vết thương quá lâu.
- Nếu vết thương xuất hiện bọng nước, tuyệt đối không được chọc hay làm vỡ nó ra vì sẽ dễ gây nhiễm trùng. Trong nhiều trường hợp, có thể gây lở loét vùng bị bỏng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét