Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Cần cảnh giác hơn trước sự nguy hiểm của bóng cười

Bóng cười không chỉ là thú tiêu khiển đơn thuần mà ẩn sau đó là hàng loạt nguy cơ bị ngộ độc, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hà Nội sẽ cấm bóng cười
Bóng cười – funkyball xuất hiện ở các quán bar, karaoke ở Hà Nội từ khoảng 3 năm nay. Thời gian gần đây, trên các tuyến phố đi bộ Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Hàng Buồm…dễ dàng bắt gặp bóng cười được bán công khai tại các quán bia, cà phê vỉa hè, thậm chí gần trường học.
Tại Việt Nam, chưa có quy định cấm bán bóng cười nhưng các bác sĩ trên thế giới cảnh báo rằng funkyball ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất có thể dẫn tới trầm cảm hoặc tử vong.
Chính vì thế, Hà Nội vừa đưa ra thông báo sẽ xem xét việc kinh doanh bóng cười. Theo đại diện công an Hà Nội sẽ đưa quy định cấm kinh doanh bóng cười, bán bóng cười cho trẻ đặc biệt là ở khu vực trường học.
Cách thực hiện bơm khí cười N20 vào bóng bay, sau đó hít vào và thổi ra khoảng 4-5 lần. Khí cười N2O sẽ theo khí quản vào trong phổi, dần dần thấm vào máu rồi đi lên não, tác động đến hệ thần kinh. Các phản ứng của bộ não sẽ khiến cho người hít khí bật cười thích thú.
Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết các bác sĩ ở trung tâm từng cấp cứu cho một bệnh nhân nữ, bệnh nhân tên Nguyễn H. A. 19 tuổi, trú tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng không đi được, chân tay bủn rủn, mất cảm giác do thổi bóng cười.
Bệnh nhân được đưa ngay vào Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và tiến hành điều trị theo ngộ độc khí N2O, sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh ra viện, có thể đi lại được như trước.
Theo bác sĩ tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trào lưu này rất nguy hiểm, cái cười mang lại chưa đủ bằng những tổn thương có thể do ngộ độc N2O.
Thành phần từ thuốc gây mê
Bác sĩ Phạm Đình Tuần - Khoa Nội, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thổi bóng cười chính là hít khí NO2 mà trước đây trong y học dùng làm thuốc tiền mê hoặc gây mê qua đường hô hấp gọi là gây mê hở.
Nhưng vì tác dụng nhẹ các nhân viên trong kíp phẫu thuật đôi khi cũng bị hít phải và gây ra trạng thái phấn khích nên ngày nay được thay thế bằng các thuốc gây mê tiêm tĩnh mạch hoặc tủy sống gọi là gây mê kín.
Chính vì tác dụng đó nên nhiều người đã sử dụng qua đường thở nhằm mang lại trạng thái hưng phấn khoảng vài phút, trong đó vẫn có một số ít người lại có trạng thái buồn bã, ký ức buồn ùa về. Các trạng thái thay đổi đó sẽ trở lại bình thường trong vài phút.
Bác sĩ Tuần nhấn mạnh, bất cứ hóa chất gì đặc biệt được dùng trong y học đều cần phải tuân thủ đúng liều lượng và chỉ định điều trị, nếu lạm dụng nó đều không tốt ngay cả đối với người bình thường.
Việc sử dụng bừa bãi, chất lượng lại không được kiểm tra thì chắc chắn lợi bất cập hại. Đặc biệt là những người có tiền sử về bệnh tim mạch nếu hít khí N2O có thể nguy hiểm tới tính mạng vì thế bác sĩ Tuần khuyên không nên sử dụng bóng cười coi là trò xả căng thẳng.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hoá (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết N2O được sử dụng trong bóng cười hiện nay nếu lạm dụng có thể gây tổn hại sức khỏe.
Theo tính chất hóa học, N2O là một loại khí không màu, không cháy, có mùi thơm nhẹ… N2O không cháy nhưng có tính ôxy hóa và kích thích phản ứng cháy. Khí này không duy trì sự sống, có thể gây ngạt.
Nói về tác dụng gây cười của N2O , PGS Côn cho biết, khi hít vào trong cơ thể, khí này tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười, kích thích thần kinh.
PGS Côn cho biết, có một thực tế các bạn trẻ bắt chước trào lưu này ở nước ngoài nhất là Châu Âu nhưng ở Châu Âu khí này được kiểm soát về nồng độ và tỷ lệ rất nghiêm ngặt còn Việt Nam, loại khí gây cười chưa được kiểm soát chặt chẽ và cũng chưa được quan tâm về tác hại của nó.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét